Những đứa trẻ không giấy khai sinh, không hộ tịch đành chịu thất học dù chính quyền cấp xã đã cố gắng tìm nhiều hướng giải quyết.
Rất nhiều trẻ em ở xã Tân Hòa (Tân Châu, Tây Ninh) thất học vì không có giấy khai sinh. Có em may mắn hơn thì được “học lụi” đến hết bậc tiểu học.
Từ những năm 1990, tỉnh Tây Ninh bắt đầu đón làn sóng Việt kiều Campuchia hồi hương. Họ sống trôi nổi trên lòng hồ Dầu Tiếng, nay đây mai đó, chẳng mấy ai đi làm giấy khai sinh cho con cái. Những đứa trẻ ở đây do không giấy khai sinh, không hộ tịch nên đành chịu thất học dù chính quyền cấp xã đã cố gắng tìm nhiều hướng giải quyết.
Ở Tây Ninh, các hộ Việt kiều tạm cư rải rác ở nhiều huyện, tập trung đông nhất ở Dương Minh Châu và Tân Châu. Trong đó, xã Tân Hòa (huyện Tân Châu) có số hộ Việt kiều tập trung đông nhất: 209 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu.
Không được đi học
Năm 2007, vợ chồng anh Lê Văn Minh về ở ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, may mắn được một người cho ở đậu, cất nhà tạm ở miếng đất sát bên hồ Dầu Tiếng. Việc đánh bắt cá trên hồ ngày càng khó khăn nên vợ chồng anh Minh đổi nghề đi làm rẫy mướn.
Họ có tám người con thì sáu đứa không biết chữ. Các con tứ tán đi làm mướn khắp nơi. Vợ chồng anh Minh chỉ có tờ giấy chứng nhận người Việt tạm trú ở Campuchia (do Campuchia cấp) chứ không có quốc tịch. “Con cái cũng không có giấy khai sinh, vì thế đều chịu dốt hết lượt” - anh Minh nói.
Lê Văn Có, con trai anh Minh, đang cùng anh đi làm rẫy mướn. Hỏi Có bao nhiêu tuổi, Có trả lời: “Chắc chừng 13 tuổi, con không nhớ chính xác”. Năm 2007, khi mới hồi hương, cha mẹ cũng ra xã xin cho Có đi học nhưng vì không có giấy khai sinh nên Có không được nhận. Từ “mé nước” (cách Có gọi chỗ ở của mình) đến trường xa quá, Có ráng theo bạn đến trường học lóm vài bữa rồi thôi. Có theo cha mẹ đi làm cá, rồi đi làm mướn tới giờ.
Em trai của Có là Lê Văn Của năm nay năm tuổi cũng chưa có giấy khai sinh. Mẹ Của sinh nở do “mụ vườn” đỡ, không có giấy chứng sinh, rồi bươn bả làm ăn mà không nghĩ tới việc trình báo với chính quyền xã nên Của cũng không có giấy khai sinh.
Một góc xóm Việt kiều ở ấp Cây Khế, xã Tân Hòa.
Chúng tôi đi ghe ra nhà bè của ông Nguyễn Văn Huỳnh (72 tuổi) nằm giữa lòng hồ. Từ Biển Hồ, ông xuôi theo sông suối lang bạt khắp nơi, rồi cách đây bốn năm, ông về cắm lại ở lòng hồ Dầu Tiếng. Ông Huỳnh trải lòng: “Về đây dù sao cũng dễ sống hơn, được gần bà con, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau”. Ông mang theo đứa cháu nội tên Nguyễn Thị Huyền.
Giọng nhẹ nhàng, Huyền kể: “Lúc mới về, em chừng 14 tuổi. Em xin lên bờ đi học nhưng nhà trường không nhận vì em không có giấy khai sinh lại quá tuổi đi học. Em buồn lắm”. Ở bên Campuchia, Huyền cũng không được đi học vì không có giấy khai sinh nhưng em được một nhà thờ nhận vô dạy tiếng Việt, chữ Việt. Khi học tới chương trình lớp 2 thì em theo ông bà nội hồi hương. Những cuốn tập vở cũ được Huyền bọc kỹ trong lớp nylon nhưng hơi nước cũng đã làm ẩm ướt hết. Ước mơ của Huyền là được lên bờ đi làm công nhân nhưng em cũng biết rằng “em không được đi học, không có trình độ, chắc em không lên bờ được”.
“Học lụi” tới lớp 5
Nhà trường và xã Tân Hòa chủ trương nhận các em đúng tuổi phổ cập vào “học lụi” để các em biết chữ. Vì không có giấy khai sinh, không làm được học bạ, các em chỉ học hết lớp 5 rồi phải nghỉ học.
Từ năm 1997 đến nay, các điểm trường phụ Trường Tiểu học Tân Hòa A hằng năm tiếp nhận một lượng lớn học sinh là con em Việt kiều Campuchia đến xin “học lụi”. Có gần một nửa học sinh trong tổng số 234 em ở điểm trường ấp Cây Khế là con em Việt kiều Campuchia. Có 79 em học sinh không có giấy khai sinh, sẽ phải nghỉ học sau khi học hết lớp 5.
Thầy Trần Văn Hiếu (giáo viên chủ nhiệm lớp 5B) nhớ lại kỷ niệm vui nhất trong đời dạy học của mình: Có lần xã chủ trương làm giấy khai sinh tạm để các em được đi học, thầy “bao thầu” việc làm giấy khai sinh cho 20 em trong lớp. Hỏi tên tuổi, các em chỉ nhớ bập bõm. Có em chỉ nhớ được tên gọi ở nhà. Thầy Hiếu đã đặt tên mới cho các em để làm giấy khai sinh. Từ đó, lớp của thầy có những cái tên đáng yêu như Danh, Ngoan, Tốt…
Nhưng vì chưa có chủ trương thống nhất từ các cấp nên thủ tục làm giấy khai sinh tạm cho các em không đơn giản, nhất là đối với những gia đình thất lạc (hoặc không có) giấy tờ tùy thân, không chứng minh được “xuất xứ” của con em mình. Những đứa trẻ học hết lớp 5 đành ngậm ngùi rời trường lớp.
Em Đồng Thị Mỹ Hạnh, học sinh lớp thầy Hiếu, nhiều năm liền đạt học sinh tiên tiến. Thầy cũng tặng giấy khen, tặng tập vở cho em như các bạn khác. Mỹ Hạnh tâm tư: “Con ước mơ trở thành cô giáo để dạy chữ cho các em học sinh nghèo nhưng hết năm nay con phải nghỉ học rồi…”. Bạn cùng lớp của Mỹ Hạnh là em Trần Duy Phượng cũng được thầy khen ham học, mấy năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Theo cha mẹ lênh đênh trên sông suối mãi, Duy Phượng khát khao được lên bờ, được đi học nhưng em cũng biết mình sẽ phải nghỉ học vì không có giấy khai sinh. Phượng buồn bã nói: “Đi học vui lắm, con không muốn nghỉ học…”.
Thầy Hiếu bao nhiêu năm qua luôn trăn trở vì những học sinh đặc biệt của mình: “Có em thường vô lớp rất trễ, tôi biết em phải dậy từ 2 giờ sáng, bủa lưới phụ gia đình rồi mới đi bộ hơn 4 km đi học. Có mấy em học khá lắm, mà hết lớp 5 phải nghỉ học, tôi không biết làm sao được”.
Nhưng với học sinh may mắn làm được giấy khai sinh tạm, được học lên bậc THCS cũng có khi phải bỏ dở ước mơ vì trường xa “mé nước” tới gần chục cây số. Những đôi chân mang theo ước mơ “lên bờ” đành quay lại những nhà bè lênh đênh, đi bủa lưới và phiêu bạt đi làm mướn khắp nơi.
Ông Trần Văn Thành, trưởng ấp Cây Khế, trăn trở: “Không có giấy khai sinh, các em chịu rất nhiều thiệt thòi. Trước hết là không được đi học, chỉ “học lụi” tới lớp 5 rồi cũng phải quay lại đi bủa lưới hoặc đi làm rẫy mướn. Có đứa lớn lên muốn đi làm công nhân cũng không được, đi lấy chồng cũng không đăng ký kết hôn được, dành dụm mua miếng đất cất cái chòi cũng không đứng tên được”.
Tỉnh đã có chủ trương về việc giải quyết hộ khẩu, hộ tịch cho đồng bào Việt kiều ở xã Tân Hòa. Những ai đủ điều kiện về lý lịch thì xã phối hợp các ngành chức năng nhập khẩu nhập tịch, làm giấy khai sinh cho các em ngay. Nhưng với những hộ dân người Việt Nam không có giấy tờ thì việc xác minh gặp rất nhiều khó khăn. Trừ khi chính quyền cấp trên có chính sách cụ thể cho xã thực hiện chứ hiện tại, chúng tôi chỉ có thể tạo điều kiện cho các em nhỏ không có giấy khai sinh học hết bậc tiểu học. Ông VŨ VĂN MINH, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, Tân Châu, Tây Ninh |
Theo Báo Pháp luật TP.HCM
No comments:
Post a Comment