20/12/2013 15:25 (GMT + 7)
TTO - Một đất nước với lợi thế xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới nhưng "một sào lúa mua được hai bát phở" khiến nông dân phải ngao ngán, trả lại ruộng đất. Tại sao?
Tin bài liên quan
- Một sào lúa mua được hai bát phở, vì đâu nên nỗi? (20/12)
- Một sào lúa mua được hai bát phở, nông dân trả ruộng (20/12)
- Tạm dừng phiên tòa bắt giam hòn đá để thỏa thuận đạt lý hơn (18/12)
- Hơn 10.500 hộ nông dân Thanh Hóa bỏ ruộng, trả ruộng (13/12)
- Hơn 10.500 hộ nông dân bỏ ruộng vì thu nhập thấp (12/12)
Đó là câu hỏi của bạn đọc đang đặt ra cho những người có trách nhiệm!
TTO xin trích đăng ý kiến bạn đọc:
Chua xót!
Quốc gia xuất khẩu gạo thuộc hàng nhất nhì thế giới mà thu nhập của nông dân không đủ để ăn sáng như vậy thì có xứng đáng không? Mong rằng Nhà nước hãy quan tâm hơn đến bà con nông dân.
Tuyên Vương
Chính sách mới đâu rồi?
Chính sách khoán 10 đã thành công rực rỡ, nhưng không thể tiếp tục trong tình hình hiện nay, cần phải có một chính sách mới từ T.Ư. Nhà nước quá chậm trong việc hoạch định chính sách.
Nguyễn
Chính sách đang trên trời!
Sự quan tâm chỉ trên hội nghị. Chính sách với nông nghiệp, nông dân đang trên trời. Nhà nước cần cổ phần hóa mạnh các công ty, nhất là các công ty đang làm ăn được, lấy vốn lo cho gần 80% dân số là nông dân và phát triển nông thôn. Nếu không sẽ nguy to đấy!
Phạm Minh Vũ
Còn cách nào không?
Không còn cách nào khác sử dụng đất tốt hơn sao, tại sao phải cấy lúa cả mấy vụ trong khi lúa lợi nhuận không cao, nói đúng hơn là không có lợi nhuận. Có thể trồng loại cây trồng nào khác có lợi ích kinh tế cao hơn 1 vụ và cấy lúa 1 vụ thôi.
Thế Quyên
Đầu tư không đúng chỗ!
Trong khi vùng đồng bằng sông Cửu Long đất ruộng canh tác đang hiệu quả thì công nghiệp lại lấn hết đất nông nghiệp. Thử hỏi sao kinh tế kém phát triển như vậy?!
Nguyễn Minh Hiếu
Người nông dân không có tiền mua thịt
Việc bỏ ruộng, trả ruộng không chỉ diễn ra ở một vài nơi mà ngay như ở Hà Tĩnh quê tôi, thanh niên trai tráng bỏ làng đi hết. Người thì đi học rồi bám trụ lại thành phố, người thì dắt díu vợ con vào Nam làm công nhân hay buôn bán. Làng xã giờ chỉ còn mấy ông bà già ở lại với nhau. Vì sao? Vì làm ruộng quá nghèo và quá cực khổ. Suốt năm, hết cày bừa rồi cấy lúa, làm cỏ, dặm lúa, tát nước, đi gặt... Làm tối mặt tối mũi mà nhiều gia đình không dám bỏ ra 30.000 đồng để mua một bữa thịt về ăn với cơm. Nghèo đến mức mỗi tuần chỉ dám đi chợ một lần, mua vài con cá về kho mặn. Thế hệ trẻ như chúng tôi giờ không ai dám về quê.
Dù bám ở thành phố rất cực khổ nhưng còn có đồng ra đồng vào, còn có tiền mua thịt mua cá ăn chứ về quê thì thôi...
Nguyễn Loan
Làm sao giảm đầu vào giảm giá thành?
Làm sao mà có thể giảm đầu vào giảm giá thành các vật tư nông nghiệp, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ người nông dân, không nên bỏ ruộng hoang phí lắm. Cần bình ổn giá lúa gạo để nông dân không có cảnh lúc có thì bán rẻ, đến khi cần mua lại thì đắt đỏ!
Vesytrongxe2006@...
Thay đổi nhận thức sẽ thay đổi được cuộc đời
Các bạn luôn nói người giàu thì càng giàu người nghèo thì càng nghèo. Vậy có bao giờ mọi người tìm hiểu là vì sao như vậy chưa. Mình không phủ nhận không ít người giàu hiện nay là do gia đình quyền thế, do vấn đề tham nhũng... Nhưng nếu nhìn thẳng vào vấn đề thì sẽ nhận thấy rất nhiều người giàu có cách suy nghĩ, cách kiếm tiền, quản lý cuộc sống rất khác người nghèo.
Mình xin đưa ra 1 ví dụ nhỏ: một người giàu chỉ bỏ tiền ra mua chiếc ôtô tiền tỉ khi trong tài khoản của họ có gấp 5-10 lần giá trị cái xe đó. Còn người nghèo sẵn sàng bỏ tiền mua 1 chiếc xe bằng cả gia tài của họ dù chỉ là chục triệu để vênh váo với đời, dù có thể mua xe vài triệu vẫn có thể đi lại tốt.
Nguyễn Xuân Tịnh
Nông dân ngày nay
Tôi thấy nông dân bây giờ nghèo vẫn nghèo, thử hỏi làm sao thế hệ nông dân sau này khá giá nổi, tôi không dám nói là giàu. Làm lụng vất vả, thu nhập chỉ đủ 2 bát phở ở thành phố. Có thể nói tương lai của nghề nông luôn ảm đạm.
Nước ta là một nước nông nghiệp vậy mà người làm nông lại nghèo, như vậy có xứng đáng là nước nông nghiệp không? Lợi nhuận ít ỏi của người nông dân chỉ đủ trang trải qua ngày, làm ra được hạt lúa còn bị thương lái chèn ép, không mua, giá rẻ...
Tôi lấy ví dụ: gia đình ông A có 1ha ruộng làm lúa, có 2 người con đang đi học đại học, lợi nhuận 30% thì thu nhập cả năm khoảng 20 triệu, bình quân cho 4 người thì chỉ có khoảng 1,7-1,8 triệu/tháng thử hỏi sao đủ tiền nuôi con ăn học, đủ tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, trong khi vật giá ngày càng đắt đỏ. Ví dụ trên là gia đình có 1ha ruộng, còn những gia đình khác chỉ có một vài công thì thử hỏi làm sao đây.
Thời buổi bây giờ tôi thấy người giàu thì giàu thêm còn người nghèo vẫn nghèo, nghèo và nghèo.
Văn Ấm
Chuyển sang trồng cỏ nuôi bò đi, bỏ uổng
1.000m2 cỏ trồng thì có thể nuôi được 4 con bò (cắt cỏ cho bò ăn chứ không thả lang), mỗi con bò trong 1 năm có thể sinh lợi khoảng 3-5 triệu đồng. Ruộng bỏ hoang uổng thật!
Nông
Một ngày công bằng ổ bánh mì!
Thật không thể chấp nhận được, nông dân lao động cực khổ cả ngày mà chỉ được 10.000 đồng bằng một ổ bánh mì bình dân. Ôi lời hứa: "Nông dân phải được lãi 30%" đâu rồi?
Trần
Cần có chính sách
Nhà nước cần có chính sách đối với lao động nông nghiệp nông thôn, nhất là về giá cả của sản phẩm mà họ làm ra cho phù hợp và sống được.
ĐINH HÀNH
Nên hướng dẫn nông dân
Sao không hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng như trồng cỏ để chăn nuôi trâu bò chẳng hạn...
Nguyễn Hồng Lan
Thà để không
Bỏ không thế đấy, nhưng để một người đứng ra làm cánh đồng mẫu lớn thì họ lại không nghe. Để vậy chứ ai làm giàu họ không nghe đâu!
Tien dung
TTO
No comments:
Post a Comment