Thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm nhiều hơn tới tình trạng đáng báo động này.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong buổi họp tổng kết năm 2013 và bàn nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014 trên địa bàn TP HCM hôm 27/12 cho biết ông cảm thấy tự hào vì năm qua hệ thống ngân hàng đã đạt được những bước tiến lớn. Trong đó quan trọng nhất theo Thống đốc là sức khỏe của các nhà bằng đã cải thiện đáng kể, không còn nguy cơ đổ vỡ rình rập, hệ số sử dụng vốn huy động trên cho vay đã lui về quanh 90% thay vì trên 100% như các năm trước.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng năm 2013 còn quá thấp.
Theo thông tin của một lãnh đạo UBND TP HCM, trên địa bàn thành phố có tới 80 chi nhánh thua lỗ trong năm qua, chiếm 21% trên tổng 378 chi nhánh. Bà cho rằng chuyện thua lỗ của hàng loạt chi nhánh ngân hàng là dấu hiệu báo động và đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm hơn đến vấn đề này.
Lợi nhuận ngân hàng 2013 không như mong đợi. Ảnh: Anh Quân |
Năm nay, ngoài một số ít nhà băng như BIDV, Sacombank có thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra thì phần lớn đều đạt kết quả không như mong đợi. Điển hình như tại Eximbank, lợi nhuận thực tế năm nay có khoảng cách khá xa so với kế hoạch ban đầu. Đến cuối năm 2013, nhà băng này dự ước lợi nhuận chỉ đạt khoảng 1.500 tỷ, chưa bằng 50% so với mục tiêu 3.200 tỷ.
Hay như NamA Bank khả năng hết năm nay cũng chỉ hoàn thành được 50% kế hoạch lợi nhuận, mặc dù chỉ tiêu này đã được một lần điều chỉnh giảm. Thậm chí, như Vietinbank dù chỉ còn một tuần nữa là kết thúc năm nhưng nhà băng này vẫn xin điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận từ 8.600 tỷ xuống còn 7.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ khác, lợi nhuận 9 tháng đầu năm còn thấp hơn nhiều, chưa tới 50% do tín dụng thời gian qua gần như không tăng trưởng.
Trao đổi với VnExpress.net, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, dự kiến năm nay lợi nhuận của các ngân hàng trên địa bàn chỉ đạt khoảng 45-50% so với kế hoạch ban đầu.
Theo ông Minh, lợi nhuận 2013 của các nhà băng thấp do ảnh hưởng bởi việc trích lập dự phòng rủi ro lớn và hạ lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. "Riêng việc giảm lãi suất cho vay về dưới 13%, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã mất nguồn thu trên 12.000 tỷ đồng", ông Minh thông tin.
Với việc giảm lãi suất này, lãnh đạo NamA Bank cho biết, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện nay rất hẹp, chỉ còn khoảng 1-1,5% mỗi năm (đối với doanh nghiệp) và 2-2,5% một năm cho vay cá nhân, đã khiến nguồn thu từ hoạt động tín dụng của ngân hàng sụt giảm, nhất là khi tăng trưởng dư nợ khó khăn.
Đại diện Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng tâm sự, trong bối cảnh thị trường hiện nay, điều quan trọng đối với ngân hàng là làm thế nào để kiểm soát được rủi ro. Do vậy, ông cho biết dù ngân hàng vẫn phải nỗ lực để đem lại lợi nhuận trong hoạt động, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông nhưng không quá kỳ vọng vào mức lợi nhuận cao.
Chung quan điểm, Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng nhìn nhận vấn đề lợi nhuận đang là khó khăn chung của toàn ngành ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông bù lại nó đã tạo ra nền tảng vững chắc để ngân hàng hoạt động tốt hơn trong các năm sau.
Chia sẻ về kế hoạch lợi nhuận cho năm tới, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng đây là một dấu hỏi lớn, nếu nền kinh tế tiếp tục khó khăn thì ngân hàng cũng không thể thoát khỏi tình cảnh chung. Ngoài ra, các nhà băng cho biết vẫn theo mục tiêu an toàn hệ thống là trên hết.
"Do đó, kế hoạch lợi nhuận năm tới sẽ không thể khả quan và cổ đông chắc chắn cũng thông cảm và hiều về điều này", Phó tổng một ngân hàng cổ phần tại TP HCM nói.
Lệ Chi
No comments:
Post a Comment